[Góc trẻ nhỏ]
TRẺ NHỎ VÀO BẾP, HỌC GÌ?
Ngày bé, mình là một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm, nói nhiều. Luôn thừa năng lượng và đầu luôn đầy ắp các luồng suy nghĩ chồng chéo nhau.
Đó là lý do sổ liên lạc của mình luôn bị cô phê là “hiếu động, nói chuyện trong lớp, nghịch ngợm như con trai”.
Kèm theo đó là sự nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, dễ bực bội.
Mình không thể ngồi yên làm một việc gì lặp lại quá lâu. Thậm chí, một lần lười học bị điểm kém, ba mình đã bảo: “nếu con không chịu học, lớn lên sẽ đi làm công nhân bóc tôm, cả ngày chỉ ngồi bóc tôm thôi đấy”.
Mình sợ hết hồn, nghĩ đến cảnh ngồi bóc tôm cả ngày mà hãi.
Thế nhưng, hoá ra, “việc lặp đi lặp lại” lại là chìa khoá mà ba mình dạy cho mình sự kiên nhẫn.
Đầu tiên, là trò mài một viên đá.
Ngày ấy, trẻ con hay đi tìm những viên đá mà người ta chất đống để làm đường sá, tìm một viên có vẻ đẹp đẹp, rồi ngồi mài vào mặt xi măng sao cho nó nhẵn mịn và bóng lên, rồi mài thành nhiều hình dạng.
Ba mình đã nghĩ ra trò là thách mình dùng một đầu nhọn của cái đinh để đục 1 lỗ qua viên đá đó, để thành một cái “bảo bối”, ba sẽ xâu dây cho mình đeo.
Mình thích lắm. Mình miệt mài lặp đi lặp lại một động tác là dùi cái đầu nhọn của cái đinh vào một hòn đá đã mài nhẵn, rồi lỗ thủng cứ sâu dần. Nhưng.
Việc này diễn ra chậm đến mức có những ngày gần như không thấy nó thay đổi gì, mình căng mắt nhìn từng xíu bụi đùn ra từ cái đầu đinh chọc vào hòn đá cứng. Tay ê ẩm, rã rời. Tim đập thình thịch vì sốt ruột. Cảm giác chỉ muốn oà khóc đến nơi.
Rồi mình nhận ra, mình đang làm chậm dần. Mình phát hiện ra cái đầu đinh đã cùn.
Tuyệt! Phải thay cái đinh mới thôi.
Rồi mình đục tiếp. Đục được vài milimet rồi, chỉ còn khoảng 1mm nữa thôi, cố lên.
Mình lấy hết sức ấn đầu đinh thật mạnh. Cố mài thật mạnh, thật nhanh.
Và, TẠCH.
Viên đá đẹp đẽ của mình nứt làm đôi!
Nứt từ cái lỗ mình sắp đục xong.
Cả bầu trời dường như vừa sập xuống, nứt làm đôi.
Mình không nhớ mình có khóc không. Nhưng cảm giác đau khổ, thất vọng, buồn bã ấy lớn đến mức không thể nào quên.
Nhưng ba mình bảo, chẳng sao cả. Mài lại viên khác thôi. Khi nào mài gần đến mức bị vỡ như hôm nay thì thử dừng lại, nghĩ xem có thể làm cách khác để nó không vỡ không.
Thế là mình làm lại.
Gần đến mức của lần vỡ ấy, mình phát hiện ra, mặt đá còn lại rất mỏng, nếu cố sức thì sẽ vỡ. Hay thử lật ngược lại đục thông từ mặt sau xem, như thế sẽ dễ hơn vì mình sẽ không phải ấn mạnh.
Thế là mình thành công.
Mình đã học được sự quan sát, sự kiềm chế, sự kiên nhẫn, sự tập trung chỉ với những hòn đá và cách tập trung làm một việc “lặp đi lặp lại” tưởng chừng nhàm chán.
Nhưng, mình đã không lặp đi lặp lại như một cái máy. Khi lặp lại, mình đã tập trung nỗ lực và luôn quan sát, tìm tòi, cải tiến chính quy trình ấy.
—
Sau này mình lớn lên và phát hiện ra, có những bài học không thể học trong sách vở, học bằng lý thuyết hay học bằng đúc kết của người khác một cách sáo rỗng, hình thức hay học gạo. Việc học lớn nhất, kì thú nhất chính là tự học và tự trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của một người thầy giỏi biết gợi cảm hứng và định hướng, còn đường đi là mình tự tìm ra.
Ba mình là một giảng viên rất giỏi, và ba mình đã dạy mình từ lúc mình học mẫu giáo, học cấp 1 bằng tư duy của một người thầy đại học. Chứ không cầm tay chỉ việc dạy 1 biết 1. Ba mình đã dạy cho mình 1 tư duy đúng, để mình học 1 biết 10.
—
Sau này lớn lên, một trong những lý do mình yêu việc bếp núc là vì mình rất thích trẻ con. Mình phát hiện ra căn bếp là lớp học mà trẻ nhỏ có thể học được vô vàn điều hay, rèn được vô vàn kỹ năng cũng như tính nết.
Mình dành hơn 2 năm để nghiên cứu tâm lý trẻ từ 7-14 tuổi cũng như đúc kết kinh nghiệm ẩm thực để viết ra một cuốn sách hướng dẫn nấu ăn dưới dạng phiêu lưu dành cho trẻ con mà nhân vật chính chính là 2 đứa con gái của mình.
Đó chính là cuốn “80 Ngày ăn khắp thế giới”.
Ngày ấy, Mĩm mới 11 tuổi và Cừu 7 tuổi.
Còn bây giờ, Cừu đã 11 tuổi rồi.
Ở nhà mình, mỗi cuối tuần đều là dịp mình được vào bếp cùng con để biến việc chuẩn bị bữa cơm hàng ngày thành một “giáo trình kì thú” về một tổ hợp kỹ năng nào đó dành cho trẻ.
Việc đi chợ, chọn lựa nguyên liệu sẽ khiến trẻ hứng thú hơn khi tự tay chọn nguyên liệu và cực kì háo hức chờ xem từ những nguyên liệu rời rạc, làm cách nào để tạo nên món ngon mà chúng sẽ thưởng thức tại bàn.
Như ngày hôm nay, nhà mình ăn một bữa cuốn tôm thịt.
Một bữa cuốn chính là cơ hội để bọn trẻ học cách dùng dao, học cách thái cắt các nguyên liệu có kết cấu khác nhau, độ cứng mềm khác nhau, các hình dạng khác nhau thành những thanh, sợi có kích thước tương đồng.
Việc lặp đi lặp lặp lại việc thái cắt này cũng là một trong những bài luyện kiên nhẫn cực tốt và gây hứng thú cho trẻ.
Bạn có thể cho trẻ thử nhé!
Nên lưu ý:
– Chọn dao vừa tay trẻ, tập từ dao nhỏ đến lớn. Sao cho độ dài lưỡi dao luôn nhỏ hơn gang tay trẻ (lớn nhất = dài gang tay, dài hơn trẻ khó kiểm soát, nguy hiểm).
– Tập thái từ thô đến tinh. Từ mềm đến cứng.
– Thớt luôn được kê chắc chắn chống trơn trượt, nên lót khăn dưới thớt.
– Khen ngợi và động viên trẻ. Đừng chê rách và nhất là đừng cười nhạo khi trẻ chưa làm được.
– Không so sánh, hạ thấp trẻ với bạn khác.
– Cùng chia sẻ cảm nhận về mùi vị từng nguyên liệu trong quá trình làm bằng cách “cùng nhau ăn vụng, cùng nhau nếm thử”. Nhớ là “ăn vụng” một xíu thôi nha. Với các món nước, hoặc đang nấu trong nồi, không bao giờ được nếm thử hay ăn vụng bằng đũa nấu, muôi nấu rất mất vệ sinh. Tập thói quen múc một phần nhỏ riêng ra rồi dùng đũa, thìa riêng nếm thử.
Một trong những lý do trẻ thích ăn hơn, ăn uống ngon miệng hơn, mạnh dạn trải nghiệm mùi vị đa dạng hơn chính là chúng được tham gia vào quá trình nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình đó!
Hãy tranh thủ cuối tuần cùng bọn nhóc vào bếp nhé!
Chúc các bạn và gia đình những cuối tuần thật vui từ căn bếp nha!
—
Khoa bạn, em Cừu con trong cuốn sách “80 ngày ăn khắp thế giới” của mẹ Sheep giờ đã lớn thế này rồi đây, và hôm nay đã chính thức chinh phục được “thử thách” thái cắt rồi nhé!
Bạn có nhớ được lần đầu tiên của bạn vào bếp là năm mấy tuối và bạn đã từng làm được món ăn nào hồi bé mà bạn nhớ mãi không?
Tập thái trứng – mềm nhất dễ thái nhất.
Trứng tráng thật mỏng. Nay Cừu tự tráng trứng nha.
Thành phẩm trứng tráng mỏng của em Cừu con.
Đĩa tôm luộc, mẹ dạy em cách bóc tôm, xếp tôm.
Phần thưởng là 2 mẹ con được chén đống đầu tôm luộc ngon lành đầy gạch tôm béo ngậy.
Phần thưởng là 2 mẹ con được chén đống đầu tôm luộc ngon lành đầy gạch tôm béo ngậy.
Bữa tối hôm nay, toàn thành phẩm thái cắt của em Cừu. Chị Mĩm hôm nay tập trung học ôn Toán nên không tham gia được.
Đĩa tôm hai mẹ con cùng mê!
Ngon ơi là ngon. Nay trời mưa, tôm tươi tanh tách mà vẫn ế. Hai mẹ con đi chợ lúc 3h chiều mà vẫn còn toàn tôm tươi to bự.
Xin mời một cuốn tôm thịt.
Còn đây là cuốn “80 Ngày ăn khắp thế giới” của mẹ Phan Anh (Esheep). Kể về cuộc phiêu lưu của Mĩm và Cừu bay vòng quanh thế giới trên một chiếc khinh khí cầu bằng cà chua, đáp xuống 30 nước và khám phá văn hoá, ẩm thực của 30 quốc gia này. Ở mỗi nước, Mĩm và Cừu sẽ hướng dẫn các bạn cách làm một món ăn đặc trưng của đất nước này nhé.
Và để chuẩn bị cho hành trình này, bạn cần phải vượt qua 5 thử thách trong bếp ở các cấp độ khác nhau như nhận biết & học cách sử dụng các vật dụng cơ bản trong bếp nấu, bếp bánh; nhận biết và phân biệt các loại gia vị cơ bản; học cách đong đo nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Yêu không? Tất tật đều được cô tác giả hướng dẫn trong sách nha.
Có thể tìm hiểu thêm cuốn sách này ở:
https://nxbkimdong.com.vn/80-ngay-khap-gioi-mot-cuon-sach…
Và để chuẩn bị cho hành trình này, bạn cần phải vượt qua 5 thử thách trong bếp ở các cấp độ khác nhau như nhận biết & học cách sử dụng các vật dụng cơ bản trong bếp nấu, bếp bánh; nhận biết và phân biệt các loại gia vị cơ bản; học cách đong đo nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Yêu không? Tất tật đều được cô tác giả hướng dẫn trong sách nha.
Có thể tìm hiểu thêm cuốn sách này ở:
https://nxbkimdong.com.vn/80-ngay-khap-gioi-mot-cuon-sach…