Đây là một món ngon truyền thống ngày Tết của miền Trung xứ Nghệ, là quê bên nội mình. Có rất nhiều món ngon làm từ bắp bò như bắp bò ngâm mắm, bắp bò ngâm dấm ớt, bắp bò luộc ngũ vị, bắp bò kho mắm, nhưng với mình, cầu kì nhất hạng, thơm ngon và đặc biệt nhất hạng là món bắp bò kho mật mía này. Món này có quá nhiều gia vị, cái nào cũng thơm ngon ,cũng quan trọng, nhưng tại sao lại là bắp bò kho mật mía chứ không phải kho mắm, hay kho trà xanh (dù lá trà phải dùng rất nhiều)? Ấy là vì xứ Nghệ đất mía, mật mía thơm ngọt vô cùng, là thứ nguyên liệu vừa là gia vị, vừa là chất bảo quản tự nhiên giúp món ngon này có thể ăn hết cả mùa tết không ôi hỏng. Mùi vị mật mía trong món bắp bò kho này là nổi bật nhất, là một món thịt có bị ngọt đậm đà, cay xé lưỡi rồi đến tầng lớp mùi thơm của gia vị từ rừng. Món này mỗi nhà một cách làm, đơn giản nhất không thể thiếu mà mật mía và mắm ngon, kế đến là ớt gừng. Tất thảy gia vị còn lại như sả, tiêu, hồi, quế, thảo qả đinh hương, là gia vị bí truyền từng gia đình. Đặc biệt là lá trà xanh, không phai ai cũng biết dùng trong món này, lại càng không biết phải dùng ra sao, vào lúc nào.
Mọi người thường nhầm rằng lá trà sẽ được kho cùng mật và thịt bò. Nhưng không phải, kho vậy không có nhiều tác dụng, vì sau khi ủ ngập mật, lá trà không còn tác dụng khử mùi nữa, lại càng không phát tác những tác dụng tuyệt vời với món này. Đầu tiên, lá trà phải được vò và hãm lấy nước chát, càng đặc càng tốt. Sau đó để nguội ngâm thịt, nước cốt trà này giúp tẩy bỏ hết nhớt, hoi, gây tanh của bắp bò, lại giúp cho gân thịt se chắc lại, khi kho xong có thể thịt sẽ cứng như khúc gỗ, bạn có thể thái ra những lát mỏng tang mà thấm đẫm từng loại mùi vị mà không mất đi vị ngọt của thịt bò. Ngoài ra, bởi món bắp bò này kho chính là với mật, mật mía ngọt rất đậm đà, mùi mía vẫn giữ nguyên, vì vậy, khi ngâm trong nước trà từ 1-2 tiếng, vị trà ngấm trước, tạo nên vị chát nhẹ trong thịt, vị ngọt hậu trong thịt, giúp cho thịt bò không quá ngọt cái ngọt chót lưỡi đầu môi của mật, tọa nên cái ngọt hậu trên lưỡi, trong họng cùng vị ngọt thịt khi ăn.
Đây là bí kíp mình tìm hiểu và sáng tạo nên dựa trên pho kinh nghiệm của bà nội mình, từ câu chuyện kể của ba mình về các món kho mật quê mình. Có khi ba còn chẳng nhớ nổi đã kể về những gánh cá nục kho mật mía mà ngày nhỏ bà mang từ quê ra Hà Nội cho ba nữa đó : )) Tuy ba mình sinh ở Hà Nội, nhưng từ thời ông bà nội mình là người Nghệ An, nhà địa chủ còn có trâu kéo mật, có “cây kẹo” làm kẹo dồi, kẹo lạc mà chắc giờ không còn mấy ai biết đến, nhưng câu chuyện kể mà mình luôn mong ước từ bé là được về quê để xem cây kẹo, xem nấu mật, muống được sống ở quê, làm trẻ con thôn quê.
Vì vậy, những món này, mình tự hào rằng chắc không ai nấu ngon bằng nhà mình, đến đời mình, mình lại mày mò và nghiên cứu thêm rất kỹ về việc dùng lá trà trong món này, khiến cho vị ngọt mật trở nên thanh thoát và có dư vị hơn rất nhiều, giúp cho món này lại càng giữ được vị tươi ngon sau nhiều ngày và nâng tầng vị lên dày dặn hơn thơm ngon hơn nữa, mọi người thử làm xem nhé! Mọi thắc mắc hay câu hỏi cứ trao đổi qua comment nhé mình luôn sẵn sàng trả lời
Nguyên liệu:
– 1kg bắp bò (chọn loại bắp hoa chắc thịt, tầm 2-3 bắp/1kg)
– 1 nắm lá trà xanh to (đun lấy một nồi nước trà xanh thật đặc)
– Ớt khô dạng bột + dạng vẩy: 2-3 thìa con tùy khẩu vị ăn cay
– Gừng + tỏi + hành khô + sả + ớt tươi: mỗi thứ khoảng 2 thìa canh
– Quế: 1 mẩu nhỏ + hồi 3 tai + thảo quả 1 quả + đinh hương 10 nụ + 2 chùm tiêu xanh tươi
– 2 bát con mật mía
– 1 bát con nước mắm ngon
Cách làm:
1. Lá trà vò nhẹ, đun lấy một nồi nước thật đặc, khoảng 1-1.5 lít nước trà để nguội. Ngâm thịt bò vào nước trà này trong 1 tiếng.
2. Vớt thịt ra lau khô. Đeo bao tay xát ớt bột 2 loại vào, để ngấm.
3. Trong lúc đó giã hoặc xay nhuyễn hỗn hợp gừng + tỏi + hành khô + sả + ớt tươi.
4. Rang hồi, thảo quả, đinh hương cho vừa thơm. Để nguội rồi bọc kín, dùng chày đập dập.
5. Trong một tô lớn, hòa chung mật mía và nước mắm. Tùy độ mặn của mắm và độ ngọt của mật có thể thêm bớt sao cho được hỗn hợp mặn ngọt khá đậm, hơi gắt thì thịt mới ngấm sâu và ngon. Trộn hỗn hợp ở bước 3 vào. Cho thịt vào, dùng găng tay bóp nhẹ nhàng để hỗn hợp ngấm đều. Bọc kín ủ trong ngăn mát tủ lạnh một ngày là ngon nhất, không thì từ 6-12 tiếng cũng ok. Ủ lâu thì thịt mới thấm ngon.
6. Đổ toàn bộ thịt và nước ủ vào nồi, rắc quế bẻ vụn, hồi, thảo quả, đinh hương, tiêu tươi. Trộn đều. Đun lửa to cho đến khi sôi thì tắt bếp. Để nguội rồi mới lại bật lại bếp, rút lửa nhỏ nhất, kho đến khi mật dẻo quánh, bám đều quanh khúc thịt. Trong quá trình kho chú ý lật thịt đều cho mật mắm bám đều quanh. Lưu ý luôn đun to lửa ngay khi bắc bếp thì thịt mới co rút nhanh, gân co lại khúc thịt sẽ chắc, khong bị rút nước ngọt ra ngoài, thịt sẽ hồng hào đẹp mắt kể cả khi đã rấ chín. Sau đó phải đun lần 2, thường gọi là “đun 2 lửa” rút lửa nhỏ nhất để mật mắm ngấm sâu, mùi vị mới thơm ngon.
7. Khi mắm mật sệt cạn lại thì tắt bếp để thật nguội. Bỏ tủ lạnh cho chắc thêm rồi khi ăn mới thái lát thật mỏng chấm cùng nước kho còn lại pha mắm. Làm món nhậu rất ngon.
8. Cách ăn cầu kì ngày Tết: Thịt bắp bò kho mật mía thái thật mỏng, cuốn với lá mơ, chuối chái, khế chua thái sợi, chấm tương Nam Đàn hoặc mắm nêm đâm ớt ngon không bút nào tả xiết, hội tụ đầy đủ ngọt, mặn, chua, cay, bùi, đắng, chat và thơm nồng nàn mùi gia vị từ rừng, là tinh hoa của ẩm thực xứ nghệ.
Chúc các bạn đón Tết thật NGON LÀNH
Copy & Recipe: Phan Anh Esheep
Photo: Nguyễn Minh Tuấn
4 comments
Chời ơi. Em là dân Nghệ mà đọc còn thấy ngon vật vã. Tết này em sẽ làm theo cách của chị.
Cảm ơn em, lúc nào làm nhớ gửi hình cho chị xem nhé <3
Chị ơi, em xin phép coppy bài ảnh của chị với món này để mục đích lan tỏa được không ạ. Cảm ơn chị nhiều
Chào em, em có thể share link dẫn nguồn Esheep Kitchen chứ không copy về em nhé
Cảm ơn thiện ý của em.