CÁCH LÀM NOKDU BINDAETTEOK – BÁNH KẾP ĐẬU XANH KIỂU HÀN

Nhắc đến Hàn Quốc, người ta không khỏi nghĩ ngay đến kimchi – món ăn có thể coi là một đại diện tiêu biểu cho quốc gia này trên bản đồ ẩm thực thế giới. Theo ghi nhận của Bảo Tàng Kim Chi (Museum Kimchikan) tại Seoul, Hàn Quốc thì có tới 187 loại kimchi từ xưa đến nay. Bên cạnh kimchi cải thảo đã nổi tiếng khắp thế giới, Hàn Quốc còn có một số loại kimchi phổ biến làm từ củ cải, lá hẹ, bắp cải, dưa chuột v.v. Trong series “Muối cả thế giới” của Esheep Kitchen, chúng mình cũng đã ghé thăm Hàn Quốc và Nhật Bản để học lỏm cách làm dưa chuột muối đấy! Thử trải nghiệm làm 1/187 loại kimchi với công thức này nhé: http://bit.ly/2XJULbm

Nhưng điều bất ngờ nhất chính là…kimchi thậm chí chỉ là một thành viên trong đại gia đình mang tên “banchan”. Dù chỉ là món phụ để ăn kèm cùng với cơm, thức ăn trong các bữa của người Hàn nhưng banchan lại là một thành phần vô cùng quan trọng trong ẩm thực Hàn Quốc. Tới bất kỳ nhà hàng Hàn nào, ở bất cứ nơi đâu, thực khách cũng sẽ được “chiêu đãi” một bàn toàn những đĩa/bát đồ ăn nhỏ xinh trước khi thưởng thức các món chính, “sương sương” thì cũng có vài món quen mặt như kimchi, oi-muchim – dưa chuột bóp cay, củ cải vàng muối rồi cả các món xào, hầm, chiên và thậm chí cả bánh nữa! Trong đó, loại bánh thường được phục vụ như banchan có tên gọi chung là “jeon”. Có thể hiểu nôm na jeon giống như pancake, được chế biến bằng cách áp chảo hỗn hợp bột với các nguyên liệu như hành lá, rau, giá, thịt, hải sản, v.v.. Với sự phong phú và đa dạng của jeon, dần dần nó đã trở thành một món ăn chính, được thưởng thức một cách “đường hoàng” thay vì chỉ là một món phụ trong các bữa của người Hàn.

Một trong những món jeon được ưa chuộng nhất tại Hàn phải kể đến là nokdu bindaetteok hay còn gọi là bindaetteok, hay nokdujeon – bánh kếp đậu xanh. Khác với các món jeon sử dụng bột gạo, bột mì, bindaetteok chỉ dùng đậu xanh nghiền thành bột để chế biến. Tương truyền, có giai đoạn chỉ người giàu tại đây mới có điều kiện để ăn thịt còn người nghèo sẽ ăn bindaetteok. Có lẽ đây là lý do mà bindaetteok còn có tên gọi khác là bindaebyeong, nghĩa là bánh kếp của người nghèo. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bindaetteok lại kém ngon. Với hương vị bùi, béo, ngậy đặc trưng của đậu xanh, kết hợp với độ giòn, ngọt của các loại rau khác như giá đỗ, bắp cải điểm thêm chút chua cay của kimchi, bindaetteok giờ đây thậm chí đã trở thành món ăn quốc dân được không chỉ người dân Hàn mà cả du khách bốn phương ưa chuộng. Và để thưởng thức bindaetteok được ngon hơn, bớt ngán hơn, người ta thường ăn kèm với các loại banchan khác như kimchi, củ cải muối, v.v.. Vì vẫn thương nhớ series “Muối cả thế giới” nên chúng mình đã quyết tâm làm bằng được món banchan nước mắt  – món hành tây muối chua kiểu Hàn khiến người làm phát khóc (vì cay) và người ăn rơi lệ (vì ngon) để ăn cùng bindaetteok.

Bindaetteok ăn lúc nào cũng ngon, nhưng người Hàn đặc biệt thích thưởng thức bindaetteok cùng với makgeolli – rượu gạo mỗi khi trời mưa. Lý giải cho sở thích này, có người cho rằng đó là vì tiếng mưa tí tách khiến người ta nhớ tới tiếng chiên bindaetteok. Nghe có vẻ vô lý nhưng lại vô cùng thuyết phục phải không cả nhà =)))

Công thức và cách làm bindaetteok cùng với banchan nước mắt có trong album dưới đây nhé! Mọi người cùng làm thử với chúng mình nha!

Ôi, được thưởng thức một miếng bindaetteok giòn rụm, béo vị đậu, ngọt vị giá đỗ trong cái tiết trời lành lạnh của mùa đông này thì hạnh phúc biết mấy…

Thế thì còn chần chừ gì mà không nắm lấy hạnh phúc của mình nào? Click để xem tiếp nguyên liệu và cách làm bindaetteok nha cả nhà!

Công thức tạo nên hạnh phúc gồm có:

Phần bánh:
– 2 cup đậu xanh xát vỏ (khoảng 350g).
– 550ml nước.
– 100g giá đỗ rửa sạch, để ráo.
– 1 cup kimchi cải thảo (tùy khẩu vị).
– 100g thịt ba chỉ thái lát mỏng.
– ½ tsp muối.
– 1 tsp dầu mè.
– 2-3 cây hành lá. 1 phần băm nhỏ, phần còn lại cắt đoạn dài khoảng 5cm.
– Dầu ăn để chiên bánh

Phần xốt chấm:
– 2 tbsp xì dầu.
– 1 tbsp dấm gạo.
– 1 tbsp hành lá băm nhỏ.

*Cần chuẩn bị máy xay sinh tố, chảo chống dính.

Cách làm:


– Ngâm đậu xanh trước khoảng 3-5 tiếng, đến khi bóp thử thấy hạt đậu mềm bở là được. Chắt bỏ nước, để ráo.

– Cho phần đậu xanh đã ngâm vào máy xay, đổ nước ngập xâm xấp mặt đậu, xay nhuyễn đến khi được hỗn hợp bột mịn, sánh.

Sau khi xay nhuyễn ta được hỗn hợp bột mịn, sánh thế này

Kimchi vắt nhẹ bỏ bớt nước (phần nước này sẽ để riêng dùng để gia giảm vào bột), sau đó băm nhỏ, trộn cùng hành lá băm và 1 tsp dầu mè.

Trộn đều giá đỗ, kimchi vào hỗn hợp vừa xay. Nêm thêm ½ tsp muối. Nếu thấy bột đặc quá có thể thêm 1 chút nước kimchi pha cùng ít nước lọc, màu bột chuẩn sẽ có màu trắng ngà hơi lấm tấm màu cam của kimchi (chú ý không cho quá nhiều nước kimchi sẽ làm bánh bị chua).

Giá không phải để giữ, giá là để trộn cùng hỗn hợp vừa xay nha cả nhà!

Đun nóng khoảng 2 tbsp dầu ăn trong chảo rồi đổ bột vào, dàn mỏng, bánh dày khoảng 1cm.

Xếp vài lát thịt ba chỉ, rắc thêm ít giá đỗ và hành lá lên. Chiên lửa vừa đến khi thấy 2 mặt bánh vàng hơi nâu, vỏ giòn rụm là được.

Trộn đều phần nguyên liệu xốt chấm, gia giảm tùy khẩu vị. Ăn lúc nóng, ăn kèm với hành tây muối chua

Ơ, thế làm sao để có hành tây muối chua đúng kiểu Hàn, vừa giòn, vừa ngọt vừa thơm nhưng lại không hề hăng và cay?

Cách 1: Book vé máy bay sang Hàn để mua về => quá đắt

Cách 2: Nhờ người ta ship về => quá lâu

Cách 3: Làm theo hướng dẫn của Esheep Kitchen ở các ảnh tiếp theo => quá dễ! 

CÁCH LÀM HÀNH TÂY MUỐI CHUA KIỂU HÀN QUỐC
Chúng ta cần có các nguyên liệu:

– 3 củ hành tây cỡ vừa.
– ½ cup nước tương.
– ½ cup đường trắng.
– 1 cup dấm trắng.
– 1 cup nước lọc.

(Có thể thêm ớt sừng tuỳ theo khẩu vị nếu thích ăn cay)
*Cần chuẩn bị hộp nhựa hoặc hũ thủy tinh kín

Hành tây thái miếng vừa ăn rồi cho vào hộp, đậy kín.

Đổ tất cả phần nguyên liệu ngâm vào nồi, đun đến khi sôi thì tắt bếp.

Trong lúc nước ngâm vẫn còn nóng, đổ vào hộp hành, phần nước ngâm cần đủ ngập hết phần hành. Đậy kín, để nhiệt độ phòng 1 ngày rồi cất tủ lạnh. Hành để lạnh sẽ giòn hơn, không bị hăng và có thể ăn luôn.

Sau khoảng 2-3 ngày để tủ lạnh nếu chưa ăn hết thì nên chắt bỏ nước ngâm để dừng quá trình lên men. Có thể sử dụng được trong 2 tuần.

Khi ăn có thể trộn thêm dầu mè để hành thêm thơm ngon hơn nhé!

Mỗi khi trời mưa mọi người sẽ làm gì?

Có người sẽ thích ngắm mưa để nhìn những vệt nước đua nhau dọc theo ô cửa kính…

Lại có người thích nghe tiếng mưa để cảm nhận bản hoà ca của hàng trăm ngàn những giọt nước…

Người thích cái này, người thích điều kia nhưng có lẽ điểm chung đều là biết chạy vào nhà để làm món bindaetteok uống cùng rượu gạo makgeoli tuyệt ngon phải không nào cả nhà?

Hé lộ bí quyết cho món bindaetteok cực ngon:

 – Chọn loại đậu xanh có màu vàng tươi, hạt đậu to đều, không bị vỡ, trong lúc ngâm nên đãi qua để loại bỏ sạn nếu có.
– Vì giá đỗ sau khi trộn vào bột sẽ tiết ra nước làm loãng bột, trước khi trộn nên chia đôi tất cả các nguyên liệu rồi làm từng mẻ, bánh sẽ giòn hơn và không bị bã.
– Khi lật bánh có thể thêm ít dầu để 2 mặt chín đều nhau, không bị cháy.
* Món Bindaetteok truyền thống sẽ chỉ có đậu xanh xay trộn cùng giá đỗ và có thể dùng làm món chay. Ăn kèm hành tây muối chua và uống với rượu gạo makgeolli

Chúc các bạn thành công, nếu có thắc mắc gì trong quá trình làm, để lại lời nhắn cho chúng mình ở link dưới đây nha

Related posts

CÁCH LÀM “ROSE TTEOKBOKKI” – BÁNH GẠO XỐT HOA HỒNG DẺO THƠM

CÁCH LÀM LẨU NẤM “DÁNG XINH” KIỂU HÀN QUỐC CỰC CUTE

CÁCH LÀM CANH CHẢ CÁ HÀN QUỐC ẤM SỰC XÌ XỤP MÙA ĐÔNG