CƠM NHÀ THÁNG BA

Mâm cơm nhà vào tháng Ba, thường có canh rau tập tàng nấu riêu cua.
Vì là mùa xuân, mọi thứ trong vườn, ngoài đồng đều xanh biếc, mơn mởn, ngon nõn.
Chỉ cần vác theo một cái rổ nhỏ sứt cạp, thì thụp sà vào góc nọ góc kia trong vườn, là đã được đầy ắp một rổ đủ thứ thập cẩm các loại ngọn rau, lá rau và thậm chí cả quả non.
Mọi thứ cứ láo nháo tập tàng thế, chẳng ra quy luật gì, thế mà khi nấu lên, lại ngon không thể tả. Chỉ là một thứ dường như “lỡ bữa”, thế mà không cao lương mĩ vị nào sánh bằng.
Canh rau tập tàng thường nấu nhất với dền cơm và các loại rau dền. Nhà mình thường có rau gì, thêm rau đó. Hôm nay, nồi canh rau tập tàng mà chúng mình có, hái ở ngoài bãi sông về, phải đến gần chục thứ rau: dền cơm, dền đỏ, dền xanh, bồ ngót bùi bùi, tầm bóp, ngọn dâu tằm chan chát, lá lốt non thơm nức, ngọn ớt non hăng hăng, và rau sam đất chua chua nhớt nhớt. Chao ôi là thèm.
Thế là mình mua thêm một mẻ cua đồng nữa về nấu canh tập tàng.
Thực ra thì, đã là canh tập tàng, nấu thế nào cũng xong, cũng ngon, vơ vài thứ rau là thành. Nhưng đôi lúc, mình cũng bị nấu thành một… nồi cám lợn. Vì tỉ lệ các loại rau và mùi vị kì quá, không chung đôi được.
Một số mẹo nhỏ của mình như sau:
– Dù nhiều loại rau đến mấy, vẫn nên có từ 1-3 loại chủ đạo. Tổng lượng rau này nên chiếm khoảng 50% rổ rau, để có mùi vị chủ đạo. Các loại khác lần lượt theo khẩu vị chỉ là điểm xuyết. Ví dụ như mình hay dùng rau dền hoặc rau ngót làm vị chủ đạo.
– Các loại rau nên có sự phong phú về mùi vị, mỗi loại như một thứ gia vị gia giảm: thêm chút lá lốt thì canh rất thơm (nhiều quá thì hăng), một chút ngọn ớt làm canh có vị rất đặc biệt và khử tanh khi nấu với các loại đồ tanh như cua, tôm, hến cực ngon, làm vị canh thêm ngọt. Lá dâu tằm mùa này non ngon lắm, lá dâu như thứ “điều vị” giúp nồi canh ấm bụng, không bị lạnh bụng khó tiêu, cũng nên cho vào một chút.
– Rau sam chua chua nhơn nhớt ăn rất vào, nhưng nếu nấu quá nhiều thì canh nhớt lắm, và màu rau không đẹp, trong bị héo úa nữa.
Các loại nấu cùng canh tập tàng ngon:
– Đầu bảng là riêu cua, tiếp là riêu tôm riêu tép (tôm tép giã nhuyễn lọc hệt như riêu cua).
– Không có đồ tươi thì nấu tôm nõn, thịt băm cũng ok.
– Nấu với hến, trai trai cũng ngon không để đâu cho hết hu hu.
Nguyên liệu hôm nay của mình (6 người ăn):
– 1 rổ các loại rau tập tàng như trên
– 2,5 lạng cua đã giã nhuyễn (tương đương khoảng 500g cua sống)
– muối
– 1 thìa nhỏ nước mắm chắt

Cách làm:
1. Rau rửa sạch, thái nhỏ vừa ăn, lẫn lộn các loại.
2. Cua hoà với 1.5l nước + 1 xíu muối, lọc nhiều lần ra hết thịt cua, bỏ bã.
3. Đun nước cua với lửa to, khuấy đều tay cho đến khi nước nóng thì dừng. Thịt cua sẽ chín nổi dần lên thành bánh. Vớt thịt cua ra bát để riêng. Thả rau vào nồi nước nấu cho đến chín tới. Nêm lại muối cho vừa ăn.
4. Trong một chảo nhỏ khác, phi thơm 1 thìa dầu ăn với 1 tép hành khô nhỏ, cho gạch cua đã khêu riêng vào xào thơm với nước mắm + 1 muôi nước canh, đổ phần gạch thơm này vào nồi canh.

Bắc canh ra ăn nóng với cà muối và cơm trắng thì ngon tuyệt vời.
Bữa cơm hôm nay nhà mình ngoài canh riêu cua tập tàng ra còn có sườn rim chua ngọt, đậu phụ tẩm hành, mắm tép chưng thịt mình tự làm, cà muối, dưa cải, hành muối, rau gia vị hái trong vườn.
Bữa cơm đạm bạc toàn rau dưa vậy thôi.
Mời các bạn xơi cơm!

Related posts

ĐẶC SẢN MÙA THU | XÔI TRÁM MUỐI CÁ NƯỚNG DẺO THƠM ẤM LÒNG

CÁCH LÀM THỊT KHO TRÁM MUỐI CỰC HAO CƠM

HƯƠNG THU TRÁM MUỐI | MÓN NGON DÂN DÃ “ĐƯỢM” VỊ TUỔI THƠ /Mẹo “ỏm” trám bở thơm bùi bất bại, không cứng đanh, khử sạch chát bạn đã biết chưa?/