NHỮNG MẢNH ĐƠN SẮC CỦA FUKUSHIMA

NHỮNG MẢNH ĐƠN SẮC CỦA FUKUSHIMA
Trong cuốn The Giver (Người truyền kí ức) mà mình cực kì yêu thích, có một khoảnh khắc mà cậu bé Jonas 12 tuổi cảm thấy dường như có một thứ gì đó đã vượt ra xa cả ngoài biên độ nhận thức của cậu, vượt ra khỏi mọi cảm nhận và trải nghiệm trước đó từ khi sinh ra của cậu. Khi tung quả táo lên, cậu NHÌN thấy quả táo đó rất khác trong vòng một giây thời gian, cậu CẢM thấy quả táo đó hình như đã biến đổi trong vòng một giây thời gian. Nhưng cậu không thể gọi tên, không thể hiểu sự thay đổi đó là gì, không chạm được đến thứ mà cậu vừa cảm được.
Sau đây, mình đành tiết lộ nội dung truyện, xin lỗi các bạn chưa đọc cuốn tiểu thuyết này và có ý định đọc nó:
Thứ mà Jonas NHÌN thấy trong vòng một giây ấy, thì ra là MÀU SẮC! Jonas đã nhìn thấy quả táo ấy màu đỏ.
Thì ra thế giới mà cậu đang sống, thế giới hoàn hảo vĩnh cửu không hề có khổ đau không hề có mỗi buồn không hề có chiến tranh không hề có lừa dối không hề có vất vả ấy, hoàn toàn KHÔNG CÓ MÀU SẮC.
Ở thế giới lý tưởng ấy, mọi thứ hoàn hảo đến tuyệt mĩ, thậm chí không hề có ganh đua và những cảm xúc tiêu cực. Là bởi vì… thế giới ấy được lập trình cực kì tinh vi và hoàn hảo bởi hàng triệu quy tắc để hướng đến “sự lý tưởng tồn tại”. Và để những quy tắc ấy có thể “work” được, thì còn người cần thiết nhất là phải triệt tiêu mọi-cảm-xúc.
Thế giới ấy có lý tưởng không?
Thực ra nó từng lý tưởng, con người từng kì vọng về sự lý tưởng ấy, mơ về thế giới không chiến tranh, không khổ đau, không buồn đau đó mà…
Nhưng đó là lý tưởng hão huyền của sự chối bỏ không chấp nhận tính tất yếu của sự sống.
Khi không có cảm xúc, con người không cần rung động, không còn ghét, là không còn yêu; không còn buồn, là không còn vui; không còn thù hận; là không còn biết ơn; không còn tiêu cực; là sự tích cực độc hại nhất.
Thế giới ấy chỉ có 2 màu đen trắng, chỉ có đúng hoặc sai, chỉ có phải hoặc trái. Thật bi kịch.
Và chỉ duy nhất “The Giver” (Người truyền/ và được truyền kí ức) mới nắm giữ được tất cả những kí ức tuyệt đẹp từng có, trước khi thế giới ấy trở thành “lý tưởng”. Và người được chọn, chính là Jonas. Cậu có thể nhìn thấy màu sắc, cậu có thể rung động, cậu có cảm xúc.
Cậu được tiếp nhận ký ức của nhân loại từ những người tiền nhiệm. Ký ức đó là gì? Đó là tất cả những cảm nhận, những hình ảnh, những màu sắc, những âm thanh, những trải nghiệm về cuộc sống mà chính con người chúng ta ngày nay đang (còn) cảm nhận được: hạnh phúc khi yêu và được yêu, niềm vui khi nhận được sự âu yếm của người thân, cảm giác máu chảy trôi êm ru trong huyết quản khi được ngắm nhìn những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cảm giác lãng mạn và rung động, niềm vui với bạn bè gia đình, niềm tự hào khi gặt hái thành công…
Nhưng không ngờ, những cảm xúc tích cực ấy lại quá ít so với nỗi đau khổ đớn đau vì chiến tranh, bênh tật, đói nghèo, mất mát, chia lìa, gien tuông, tranh đấu, thời gian để mỗi người “sống” thực sự cho rung cảm ngày càng ít đi, mục tiêu “kiếm tiền” và “thành công” được đo bằng tiền ngày càng nhiều lên. Một người sống ngày càng giống một cỗ máy kiếm tiền.
Vậy nên, con người đã tiến hoá và bước vào thế giới “lý tưởng” vô cảm ấy. Vậy có lý tưởng không?
….
Mình thích cách những “người truyền kí ức” nhìn thấy màu sắc của thế giới đen trắng trong cuốn tiểu thuyết trứ danh đó. Mình thích cách thế giới này vận hành, mà không chối bỏ, mình thích và hiểu rằng, chẳng có niềm vui nào mà không có nỗi buồn, chẳng người nào hạnh phúc mà không từng có lúc khổ đau… Đó chính là cuộc sống, là cái đẹp đẽ của vô thường.
Và khi đến Fukushima, mình có sự liên tưởng to lớn với “The Giver”.
Fukushima từng là một kí ức tươi đẹp đầy tự hào của người Nhật, là vùng đất rộng lớn, trù phú tuyệt đẹp từ biển tới đồng bằng tới miền núi cao. Nơi thiên nhiên, thổ nhưỡng, văn hoá đều cực kì độc đáo và tính bản địa cao.
Nhưng kí ức đó, cách đây 13 năm, từng bị vùi dập đến tan hoang, trở vể số 0, trở về hai màu đen trắng u buồn đau đớn đến tuyệt vọng bởi thảmm hoạ kép sóng thần và động đất cướp đi sinh mạngg hơn 20.000 người nơi đây. Và hơn thế, hàng trăm nghìn người Fukushima mất đi nhà cửa, mất người thân, mất công việc, mất kết nối, mất kí ức, tổn thương nghiêm trọng về sức khoẻ tinh thần.
Thảm hoạ kép cùng sự cố rò rỉ phóng xạ biến thiên đường đẹp đẽ hạnh phúc trù phú nơi đây thành địa ngụcc đau thương.
Thảm hoạ ấy quá thảm khốc tới mức cả thế giới phải bàng hoàng đau xót, những tưởng Nhật Bản sẽ gục ngã, Fukushima sẽ gục ngã. Nơi đây mãi sẽ chỉ còn hai màu trắng đen.
Nhưng rồi cũng chính thế giới phải ngả mũ khâm phục sự đoàn kết, ý chí và nghị lực phi thường của người Nhật, khi Fukushima từng bước hồi sinh một cách thần kì.
Những hậu quả hạ tầng nhanh chóng được khắc phục, bầu không khí và môi trường dần được hồi phục, vạn màu sắc được tô điểm lại nơi đây.
Kí ức đẹp đẽ Fukushima đang được truyền lại và truyền đi khắp thế giới. Đó là kí ức đẹp đẽ của hạnh phúc được xây nên từ ý chí, niềm vui được hàn gắn lại sau nỗi đau. Từng người dân Fukushima và cả Fukushima đều đang trong một hành trình dài của “chữa lành” và “tự chữa lành” – theo đúng nghĩa đen đẹp nhất của điều này, khômg phải theo trend cà chớn vui vẻ trên mạng. Vậy nên khi tới đây, thứ năng lượng mạnh mẽ nhất mà mình cảm nhận rõ rệt nhất, được tiếp nhận nhiều nhất trong chuyến đi này chính là “năng lượng có khả năng chữa lành”. Dành cho ai hiểu được điều này, đang cần đến điều này. Không phải là câu nói vui trending trên mạng hay mình đang tính đu trend.
Mình cũng muốn trở thành một trong những “The Giver” để truyền đi chút kí ức của cá nhân mình về vùng đất tươi đẹp mà mình trót yêu từ lần đầu tiên này, tới các bạn.
Mình yêu thích nhiếp ảnh. Mỗi chuyến đi, thường ngoài những bức ảnh mang tính tự sự, ghi chép lại hành trình và cảm xúc, mình thường dành những khoảng lặng để “săn” cảm xúc, “săn” khoảnh khắc đắt giá và ghi lại bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh của những tấm hình đen trắng.
Với mình, một bức hình đen trắng mới là một kí ức đầy màu sắc nhất mà mình cần lưu giữ lại. Kí ức đó có đủ giàu cảm xúc, giàu câu chuyện, giàu rung cảm đến thế nào, thì khi nhìn lại, bản thân mình vẫn sẽ “tô màu” được cho nó, dù thời gian đã trôi qua bao lâu.
Và đó là cách mà mình được sống với thế giới nội tâm của mình, với chính mình, mà không cần phô bày.
Đây là 12 tấm hình đen trắng giàu sắc màu nhất trong số những tấm hình đen trắng trong công cuộc sáng tác của mình trong chuyến đi vừa rồi.
Đây là một khoảnh khắc tuyệt đẹp khi tụi mình đi ngang hồ ngũ sắc Goshiki-numa. Thiên nhiên quá đồi kì diệu khi tạo nên những cụm hồ từ những vụ phun trào của núi lửa Bandai, trong đó có những đoạn núi lửa vẫn còn đang hoạt động tới tận ngày nay.

Điều kì diệu là nước hồ luôn biến đổi theo thời gian nên được gọi là hồ ngũ sắc.

Sự biến đổi đa sắc này là kết quả của quá trình tích lũy các khoáng vật tự nhiên trong nước hồ. Oxit sắt và các loài thực vật, tảo trong hồ tạo nên màu đỏ tự nhiên. Khi phản xạ ánh mặt trời, hồ nước sẽ đổi màu.

Khi đi ngang qua đây vào xế trưa, mặt nước hồ có màu xanh ngọc lục bảo đẹp đến nỗi mình phải kêu lên là trời ơi mình chưa từng nhìn thấy thứ màu xanh nào ảo diệu tới như vậy, kể cả những hồ trên núi của Thuỵ Sĩ mà mình từng nghỉ hè.

Và chị hướng dẫn viên đã kể với mình câu chuyện về hồ này như trên. Lúc đó, mình thực lòng ước ao mình có thể quay lại Fukushima lần nữa để được ngắm nhìn hồ này lâu hơn, tậm hưởng nó lâu hơn vì nó rộng như biển vậy, mỗi chỗ lại là một vẻ đẹp khác nhau kì ảo vô cùng.

Vậy nên mình ghi lại nó bằng một chiếc ảnh đen trắng, lưu lại màu sắc này bằng kí ức của mình. Khi những cành cây anh đào ven hồ nơi đây còn trơ khấc chưa hoa, ánh lên trong nắng màu xám bạc với những đường nét và nhịp điệu rối bời tuyệt đẹp.
Con đường chạy bộ dọc đường ray xe lửa gần lữ quán Kobōshi no Yu: Senshintei.
Chạng vạng, ánh đèn xe ngược chiều. Mọi thứ tĩnh lặng và chuyển động duy nhất là một chiều xe chạy, nó khiến mình nhớ nhà, nó gợi nhắc đến bữa tối và sự ấm êm vô giá.

Tất thảy những chủ thể xuất hiện trong ảnh này đều là những biểu tượng toát lên sự cô độc trong khoảnh khắc chạng vạng: đường ray hun hút về phía chân trời, ánh đèn xe vội vã, đèn đường cô độc đang đỏ lên khiến lòng kẻ phải chờ đèn rối lên chộn rộn. Nhưng không hiểu sao, ngay mắt mình đâu, lúc này, nó lại gọi tên sự sum vầy.

Nên mình ngừng chạy, giơ máy lên và chụp.
Tháp đồng hồ cổ bằng gỗ ở ga suối nước nóng Yunokami Onsen.
Ga Yunokami Onsen là công trình nhà ga duy nhất có mái tranh tại Nhật Bản. Đây cũng là nhà ga để dẫn tới 30 lữ quán suối nước nóng (onsen) tuyệt vời ẩn giấu phía trong khu vực này. Vào mùa xuân, những cây hoa anh đào dọc theo sân ga sẽ đồng loạt nở rộ tạo nên một khung cảnh đẹp như trong phim vậy.

Vào khoảnh khắc này, đồng hồ điểm đúng 5 giờ chiều.
Giờ hoàng hôn.
Giờ tàu vào ga.
Giờ về nhà.
Giờ gặp nhau.
Giờ đã đến lúc.
Giờ là 5 giờ chiều.
Không gian vang lên tiếng chuông đồng hồ và một bản nhạc hiệu vào lúc 5 giờ chiều.

Bức ảnh này, mình muốn ghi lại âm thanh thời khắc ấy.
Ngọc, trang phục của Tiến, làng cổ Ouchijuku.

Dường như tất cả đều đối lập.
Hiện đại – truyền thống.
Gần gũi – xa lạ.
Sự vui nhộn và năng lượng trẻ thơ của cô với ánh mắt xa thẳm trong 1 giây ấy.
Trang phục của Tiến đẹp phát khóc. Phá bội khuôn phép truyền thống để nhắc nhớ đến truyền thống.
Những đường cắt táo bạo, chất liệu táo bạo lại để truyền tải cái rung động truyền thống.

1 giây! May quá chụp kịp! Trước khi con Ngọc nó lại làm khùng làm điên cười cái điệu cười kinh thiên động địa của nó.

Hoàng Kim Ngọc Cao Minh Tiến
Cầu chiều giăng tấm lưới thưa,
Ngỡ vớt được mảnh trăng chưa kịp tròn.
Đỗ quyên trắng trong khuôn viên Dinh thự Bukeyashiki
Bukeyashiki là nơi ghi dấu một lịch sử bi thương về một gia tộc samurai, nơi 21 người phụu nữ tromg gia đìnhh đã tuẫn tiếtt vì danh dự, tromg đó có cả những bé gái và cả một câu chuyện lịch sử cực kì xúc động và cuốn hút trong pho lịch sử samurai Nhật.
Câu chuyện đau thương & bi tráng này, mình nghĩ xứng đáng đến tận nơi để nhìn thấy, để được nghe kể và bước chân trên những viên đá trong khuôn viên nơi đã lưu giữ kí ức này. Bên trong nhiều phòng có hình nộm những người thời xưa đã sinh sống ở đây, mô phỏng những cảnh điển hình của cuộc sống hàng ngày hoặc những sự kiện lịch sử đầy kịch tính.

Đây là nơi bạn có thể tìm hiểu về lịch sử của Aizu, cuộc sống của samurai và nếm thử các sản phẩm đặc sản của Fukushima.

Dinh thự là khu di tích lịch sử có kiến trúc truyền thống Nhật Bản, bao gồm dinh thự của Tanomo Saigo, thủ lĩnh của Aizu Domain, phòng thẩm phán, vườn, phòng khách, khu vực bắn cung, khu thưởng trà, nhà máy xay xát, nhà kho…

Tới đây, mình đã xót thương và xúc động đến nỗi tim thắt cả lại, lạnh cả gáy và thẫn thờ rất lâu.

Khi bước chân từ các căn phòng samurai bước ra khuôn viên, bầu trời mùa xuân một màu xanh biếc, một cây đỗ quyên nở hoa trắng phập phồng nở những chồi hoa đầu tiên. Nắng vàng dịu dàng khắp nơi.

Mọi thứ yên bình và dịu ngọt đến nỗi không thể tưởng tượng chính nơi đây từng xảy ra những kí ức đau lòng đến vậy.

Đây cũng là cách kí ức được truyền lại.
Đường sắt Aizu tại Ga Nanokamachi
Những mảng màu tuyệt đẹp của hoàng hôn. Tuyết tùng và sakura, những dãy núi xa mờ
Và khi tàu đi qua một đường hầm. Bóng tối lùi lại chỉ còn là một chấm đen nhỏ, ánh sáng loang dần và xâm chiếm không gian.
Tuyết ở trên dãy núi Bandai.
Những cành câu u buồn hay đang reo mừng vì tuyết tan?
Đây là người truyền kí ức tới mình về Fukushima.

13 năm trước, khi nghe tin Fukushima gặp đại thảmm hoạ kép, Châu là người cùng Bách nói với mình “Bọn em phải tới Fukushima thôi”.

Nghe mà rụng rời. Đến làm gì chứ? Còn phóng xạ? Còn hậu quả động đất? Còn bãi tan hoang? Chỉ có tan hoang?
Châu bảo: Em không biết em quay lại Fukushima để làm gì, nhưng em nghĩ em phải đến nơi đây, vì kí ức nơi đây không thể biến mất chị ạ!”.

13 năm sau khi biết đến Fukushima và câu chuyện trên, khi kí ức đẹp đẽ về Fukushima đã hồi sinh, Châu đã trao lại cho mình một khối kí ức lấp lánh đầy sắc màu về nơi đây.

Mình chụp Châu một khoảnh khắc trên con phố Nanokamachi đầy hoài niệm về thời kỳ Taisho (1912-1926) nhờ bầu không khí hoài cổ, các nhà kho kiểu Nhật truyền thống và nhà phố bằng gỗ.

Mình cố tình lấy trọn vẹn vạch kẻ đường song song sát mép dưới ảnh, bởi nó là sự điều hướng và tiếp nối ánh mắt của Châu đang nhìn về phía trước, vượt ra ngoài giới hạn của khung hình.
Sự tối giản đẹp đẽ của ẩm thực Nhật.
Một miếng măng rừng tươi mùa xuân, nấm tươi, củ cải, cá tươi và nước dùng Daishi trong vắt với điểm nhấn là mùi vị cỏ cam khô được hầm cùng đầy ẩn ý và tinh tế.
Quá nhiều màu sắc của rừng, biển, nguồn nước trong lành và tài hoa của người đầu bếp.
Chị Phan Anh ơi Núi Fuji kìa!

Phúc và Tramg vẫy mình rối rít!!!
Trong khoảng khắc chóng vánh tuyệt đẹp này, mình đã kịp chào Mt.Fuji xuyên qua những đám mây, xuyên qua cả dải núi Bandai còn đang tuyết phủ.

Tạm biệt nhé! Máy bay đã bay ra khỏi vùng địa lý Fukushima rồi.

Nhất định gặp lại.

Bài viết gốc dưới đây, nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần trả lời gấp, các bạn để lại comment tại bài gốc để được trợ giúp nhanh nhất nhé

Link bài gốc từ: https://www.facebook.com/esheep.esheep/posts/10160505746183531?ref=embed_post

Related posts

Hello September

– PLUVIOPHILE – Ngày mưa trên đảo xanh

Chào tháng Vu Lan xanh mướt nhé