[Cách làm thịt kho kiểu nhà mình & chia sẻ kĩ hơn về việc dùng hành khô cả vỏ để kho thịt cá nha!]
Thì ra đơn giản lắm, có những thứ “định hình” mùi vị đặc trưng của một gia đình, lại là những món cực kì cực kì đơn giản.
Với nhà mình, là món thịt kho.
Mĩm bảo: mẹ ơi, món thịt kho ấy, con ăn ở nhà bà ngoại, con tưởng tượng ngay ra bà và những bữa cơm ở nhà bà ngoại. Nó có mùi vị rất đặc trưng mà không giống ở nhà mình một chút nào. Sao mẹ bảo mẹ học nấu ăn từ bà mà bà với mẹ lại kho thịt khác nhau thế? Ở nhà mẹ Niệm hay nhà bà nội cũng vậy, mỗi nhà con lại thấy món thịt kho lại khác nhau. Nhà mình, là mùi vị “kiểu nhà mình” ấy. Con ăn thịt kho của mẹ, con nhớ ngay đến mẹ, hình dung ra mẹ và mâm cơm nhà mình. Nó có hương vị đặc trưng lắm ấy mẹ ạ. Vì sao lại như vậy?”.
Mình không biết nữa… Thì ra là như vậy.
Thì ra mùi vị của một gia đình, lại được gợi nhắc qua nồi thịt kho.
Nay mát trời, lưng chừng chiều đổ cơn mưa lớn. Mình làm việc ở nhà, buông máy tính cùng mấy đứa nhỏ ra đứng ngoài ban công, hít một hơi dài mùi hơi nước trong không trung. Bụi mưa trắng trời, phút chốc giăng kín một màn mờ đục khắp xun quanh, mùi lá mắc mật trong mưa, mùi hoa lan dẻ, mùi hoa hồng. Lấm tấm nước trên bụi tóc tiên vàng. Mấy đứa nó reo lên khe khẽ: Chiều nay nhà mình ăn gì? Mẹ kho thịt đi mẹ.
Thế là mình đi ướp thịt, đi luộc trứng, rán trứng luộc rồi kho một nồi thịt.
Kho xong, mùi lá mắc mật vò nát còn vương vương trên tay.
Mùi bình yên, mùi vị của mâm cơm nhà mình. Mùi nồi thịt kho sóng sánh thơm thơm.
—
Nay vui tay đăng hình nồi thịt chuẩn bị kho lên IG & page, nhiều bạn tò mò không biết mùi thịt kho nhả admin thì thế nào, và tại sao lại dùng cả vỏ hành để kho; nên giờ mình chia sẻ cách kho thịt nhà mình – các đơn giản dùng với nồi áp suất điện tử. Riêng kho thịt thì nhà mình đã có vài kiểu kho rồi: kho tàu kiểu miền Tây với nước dừa & hột vịt, kho tàu kiểu miền Bắc thịt sắt hơn, màu đậm và nước kho sánh quẹo, kho măng, kho củ cải, kho dừa, kho tôm v.v… mỗi kiểu kho lại một mùi vị thơm ngon khác nhau.
Nay mình làm nồi thịt kho trứng gà với hành & mắc mật – kiểu kho đặc trưng nhà mình mà bọn trẻ con thích lắm lắm. Thịt thấm đẫm gia vị rất đậm đà và mùi vị dày dặn thơm nức vì mùi vỏ & rễ hành, mùi mắc mật, xíu ngũ vị hương và bí kíp cân bằng mùi vị cho món này của mình lại là… xíu bột quế! Nghe lạ không?
Nhưng hay lắm nhé! Mỗi mùi sẽ bổ trợ cho nhau tạo nên các lớp mùi vị dày dặn, thơm ngon khó cưỡng cho món thịt kho trứng này đó! Bạn thử nhé!
Cách làm mình sẽ chia sẻ chi tiết trong từng hình. Nhưng trước tiên, mình chia sẻ về lý do kho vỏ hành nha:
Mùi thơm của vỏ và rễ hành cũng vô cùng đặc biệt khi kho, khử mùi tanh của cá hoặc khử mùi thịt, tạo mùi thơm quyến rũ lắm. Khi ăn ăn được cả nha, thịt hành được giữ trong vỏ sẽ không nát ra nước kho, rất ngọt, vỏ hành dai nhẹ ăn được luôn rất vui miệng.
Vỏ hành khô, vỏ hành tây khô được dùng nhiều trong ẩm thực, đặc biệt các nước phương tây, thậm chí có cả “bột vỏ hành” để nêm nếm các món ăn đó các bạn ạ.
Phần bột đem bạn thấy trên hành tỏi khô, theo tìm hiểu của mình thì là vi nấm (mốc) có tên Aspergillus niger (không phải chủng Aspergillus gây bệnh hô hấp cho người). Đây là loại vi nấm xuất hiện trên nhiều loại thực phẩm, khi phát triển thì khiến thực phẩm thối, nhũn hỏng, không gây hại cho người qua tiếp xúc hay ăn. Do có màu đen nên đôi khi nhiều người nhầm lẫn nó với khuẩn lạc Stachybotrys. Trong ẩm thực, vi nấm này cùng một số vi nấm khác như Aspergillus ỏyzae được dùng để tạo nên enzym amylase (một loại men) ứng dụng trong làm bánh mì, ủ rượu bia.
Nhìn chung, loại vi nấm này là vô hại, nhưng nhìn nó không đẹp nên bạn hoàn toàn có thể rửa bỏ sạch và không dùng phần vỏ hay hành có bám nó nhá!
Các loại mốc (có lợi) trong ẩm thực được dùng rất nhiều mà các ví dụ phổ biến các bạn có thể thấy chính là lên men pho mai nè: mỗi loại pho mai lại được lên men và sử dụng các hệ vi sinh vật có lợi riêng. Ví dụ như Phomai Roquefort (còn gọi là blue cheese) thì sử dụng vi nấm Penicillum roqueforti nè! Bào tử của vi nấm này được trộn lẫn với khối sữa đông phát triển thành đốm màu xanh lẫn trong khối phomai đó!
Hoặc ở Việt Nam thì có một thứ “lên mốc” phổ biến chính là việc dùng chủng vi nấm Aspergillus oryzae (mốc tương) để làm mốc đậu nành làm tương (tương Bần, tương Bắc) nè!
Hay lắm đó các bạn!
Còn gì thắc mắc các bạn cứ comment thảo luận cùng mình nha!
Giờ thì quay lại với món thịt kho “kiểu bà Anh” nhá!
Mời bạn khám phá khẩu vị nhà mình nhá!
Dưới đây là bài viết gốc trên page Esheep Kitchen, nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần trả lời gấp, các bạn để lại comment tại bài gốc để được trợ giúp nhanh nhất nhé