SỬA SOẠN MUỐI CỦ CẢI VÀNG ĐÓN TẾT

Chỉ mấy ngày lạnh sâu, chỉ mấy ngày khô hanh, chỉ mấy ngày cuối năm dương lịch mà thoắt thấy Tết đến nơi rồi.
Càng lớn càng thấy thời gian trôi sao quá nhanh, càng lớn càng thấy sao Tết quá vội.
Trăm thứ công việc khiến ai cũng cuốn theo hối hả, những ngày giáp Tết càng hối hả hơn.
Sao mà mình thèm những ngày Tết hồi thơ bé. Bao nhiêu thứ cùng ba mẹ, cùng bà sửa soạn. Bao nhiêu thứ háo hức trông chờ vào Tết.
Nên mình cứ cố gắng níu kéo, từng chút một, giữ lại những nếp nhà ngày xưa: vội mấy thì vội, cũng cứ lo ăn Tết chơi Tết thật tươm.
Mà cái tươm tất ngày Tết lại đến từ những ngày trước Tết, những ngày sửa soạn làm trước từng thứ một, chuẩn bị đón Tết.
Một trong những món có thể thủng thẳng làm từ trước tháng Chạp, trước những bộn bề ngày Tết là các món muối lên men. Những món nhỏ ơi là nhỏ, tưởng chẳng ai nhớ ai mong nhưng lại là những món không thể thiếu được. Ngày Tết mâm cao cỗ đầy, không có tý dưa ghém, không có tý dưa hành, không có những hũ đồ muối chua lên men từ cách Tết cả tháng, có khi, chả còn gì thấy ngon.
Nhà mình hay làm dưa ghém miền Trung, hoặc muối củ cải nén lên men chua nguyên củ cả tháng. Lớn lên mới biết, củ cải muối nén này giống hệt kiểu muối củ cải vàng kiểu Nhật kiểu Hàn, thế mới hay chứ!
Năm nay mình cũng sửa soạn muốn củ cải vàng đây!

Dăm cân củ cải trắng mùa đông béo mẫm trong veo được phơi héo đôi ngày, sửa soạn để mai sẽ muối lấy mấy hũ củ cải nguyên củ, vàng ươm chua chua mặn mặn ngọt ngọt mà thái từng lát mỏng dính ra cứ giòn tan. Ăn kèm với gì cũng ngon. Nào cá kho, thịt quay, thịt đông, sườn nướng, từ món Nhật món Hàn lẫn món Việt Tế truyền thống sao mà hợp.
Món này đặc biệt hợp với ngày Tết bởi quan niệm chữ “củ cải” đồng âm với “của cải” – muối một hũ lớn củ cải vàng giống như sự dư dả sung túc cả năm, không những thế, khi ăn, từng lát củ cải àng thái ra tròn xoe y như đồng tiền vàng, soạn lên mâm cỗ Tết trông rất đẹp mắt và là biêtu tượng tốt lành ngày Tết.

Cách muối củ cải lên men từ muối này cũng giốngcách muối củ cải vàng kiểu Nhật Takuanzuke được cho là có từ thời kỳ Edo, người Nhật thì thường muối cùng hạt của quả hồng chín để có thêm chất keo tự nhiên tạo mùi vị đặc trưng. Củ cải muối này cũng giống Danmuji – cách muối củ cải vàng Hàn Quốc, người Hàn Quốc thì khẩu vị ngọt hơn nên hay thêm nước ép trái lê vào thành phần muối. Bạn cũng có thể thử với các nguyên liệu này

Nguyên liệu:
– 3kg củ cải trắng (phơi gió héo khoảng 1-3 ngày)
– 3 thìa to hạt dành dành (*)
– 2 thìa to cam thảo thái lát (*)
– 5 lá nguyệt quế khô (**)
– 10 nụ đinh hương (**)
– 1 thanh quế dài khoảng 1 ngón tay (**)
– 2 bát nước
– 4 thìa to muối tinh
– 1 bát đường kính
– 1 bát dấm gạo
– 1 bát cám gạo

Lưu ý:
(*) Mua ở hiệu thuốc Bắc.
(**) Mua ở hàng khô các chợ, siêu thị

Cách làm:

A. LÀM HỖN HỢP GIA VỊ
1. Trong một nồi nhỏ nấu các loại gia vị: dành dành, cam thảo, lá nguyệt quế, đinh hương, quế thanh và nước vào nấu khoảng 30 phút ở lửa vừa, không đậy vung.
2. Tắt bếp, lọc lấy nước gia vị để nguội đến mức ấm vừa ~ 37 độ C
3. Hoà tan nước gia vị với dấm. Trong một tô lớn, trộn đều cám gạo, muối, đường. Rót dần nước gia vị vào cám gạo thành hỗn hợp sánh.

B. MUỐI CỦ CẢI
1. Dùng dao nạo nạo bỏ vỏ củ cải. Cắt bỏ 2 đầu. Cắt khúc củ cải dài vừa hũ thuỷ tinh định muối.
2. Đeo băng tay. Mát xa nhẹ nhàng hỗn hợp ướp củ cải lên từng củ.


3. Xếp củ cải vào lọ thuỷ tinh đã tiệt trùng. Múc hỗn hợp ướp vào lọ cho ngập củ cải. Đậy kín để ngoài 1 ngày.
4. Sau 1 ngày, nếu thời tiết nóng hơn 15 độ thì bảo quản ngăn mát tủ lạnh. Nếu trời lạnh thì có thể để ngoài trời khoảng 1 tuần rồi bảo quản trong tủ lạnh thì củ cải sẽ nhanh chua và giòn hơn.


Lưu ý: Cứ 1-2 ngày thì dùng đũa gắp củ cải ra trở đầu đuôi để củ cải ngấm tốt hơn, cám gạo được khuấy đều lên men tốt hơn và xả bớt khí men. Nếu ướp vào thẩu lớn và nén được thì không phải đảo nhiều, 1 tuần mới đảo 1 lần và xả bớt khí lên men.
5. Củ cải lên men đủ độ sau khoảng 3-4 tuần.
Khi ăn lấy từng củ ra thái lát mỏng. Ăn kèm các món thịt nướng, thịt kho, các món ngấy ngày Tết hoặc cơm trắng rất ngon.

Chúc các bạn thành công. Nhớ khoe mình quá trình bạn làm trong phần comment ở link dưới đây nha

 

Related posts

CÁCH LÀM “ROSE TTEOKBOKKI” – BÁNH GẠO XỐT HOA HỒNG DẺO THƠM

CÁCH LÀM LẨU NẤM “DÁNG XINH” KIỂU HÀN QUỐC CỰC CUTE

CÁCH LÀM CANH CHẢ CÁ HÀN QUỐC ẤM SỰC XÌ XỤP MÙA ĐÔNG