MIKANCELLO – ĐÓN MÙA LỄ HỘI TỰ LÀM RƯỢU TIÊU VỊ KIỂU Ý THƠM LỪNG HƯƠNG CAM QUÝT CỰC NGON & DỄ
Xin chào, lại là admin Mituchan và ký sự khám phá vùng đất Ehime xinh đẹp đây!
Bạn đã từng nghe về trái Mikan chưa?
Đến Ehime mà chưa thưởng thức trái Mikan thì không khác gì sống ở Sài Gòn 1 năm mà chưa ăn một đĩa cơm tấm nào. Nói vậy để thấy mức độ phổ biến của trái Mikan ở mảnh đất “Ái Viên” xinh đẹp dịu dàng như nàng công chúa này! Bạn có thể bắt gặp Mikan ở mọi nơi, trên đường phố, những quán nhỏ ven đường cho tới nhà hàng, trong những món tráng miệng thơm ngon, lâu lâu còn thấy Mikan trong những bộ sticker hay sách ảnh giới thiệu du lịch.
Và từ lúc được nếm thử thứ quả thú vi này, mình quyết tâm xách bằng được trái Mikan về Hà Nội.
Công thức chi tiết mình để trong từng ảnh nhé. Cùng mình xem Mikancello thì có gì khác Limoncello không nhé? Đây cũng là một gợi ý tặng quà Giáng sinh năm mới cho crush của bạn. Biết đâu crush thấy rượu ngon, sẽ rung động mà tấm tắc khen: Ôi anh/em khéo tay quá, hãy làm anh trai/chị gái/em trai/em gái/bạn tốt của nhau nhé! Ôi không, xin phép khooooong!!! Sẽ book ngay vé bay sang Ehime đạp xe ngắm biển, ăn mikan tươi và…. chụp 1001 ảnh đẹp, không thèm khóc (nhiều) đâu!
#ehime #sleepingbeauty #dulichnhatban
Giáng sinh này Mituchan đã có Mikancello để thưởng thức rồi đó!!!
Mình đã được vào tận vườn trồng và thưởng thức những trái mikan chín cây tươi ngon hấp dẫn nhất.
Những trái mikan tươi mọng được mình nâng niu, xách tay cẩn thận lên máy bay mang về HN. Việc đầu tiên khi về đến nhà là ngay lập tức bỏ Mikan ra ngay khỏi túi nilon để bảo quản ngay, tránh tình trạng bị hấp hơi sẽ khiến quả nhanh bị lên meo mốc. Mikan cũng giống như những loại cam quýt khác, để bảo quản được lâu, bạn nên thấm sạch nước, bọc từng trái trong giấy ăn, để trong hộp kín ở ngăn mát của tủ lạnh nhé.
Mikan thì có vị gì nhỉ? Với mình có lẽ là vị của cam pha lẫn với quýt, là vị ngọt đẫm nhưng xen lẫn chút chua thanh nhẹ nhẹ, là cảm giác mọng nước.
Mình có đưa cho đứa em ở nhà ăn thử và bắt nó review hương vị thì nó ngồi suy nghĩ rất đăm chiêu rồi bảo: “Em chả biết mô tả thế nào, em nghĩ là nó rất “quýty””.
Bạn có tin được những bông hoa dã quỳ này lại làm từ vỏ quýt Mikan không?
Cùng mình khám phá cách làm nhé.
Một mẹt “nắng ấm” giữa mùa đông Hà Nội u ám. Mình thích cái cảm giác ngồi tỉ mẩn bóc vỏ từng quả quýt, nhặt bỏ từng lớp xơ trắng để lộ ra phần thịt quýt nõn nà, vừa làm vừa ngồi kể mấy câu chuyện trải nghiệm ở Ehime. Vui vui là.
Với cách làm này, mình có thể tận dụng tất tần tật mọi thứ của một trái Mikan: vò thì để ngâm rượu còn ruột thì sẽ mang đi làm những chiếc bánh mochi đại phúc nhân quýt Mikan nguyên quả thơm ngon ăn đã cái nư!!!
Nguyên liệu để làm món rượu tiêu vị Mikancello gồm:
– 20 trái quýt Mikan
Phần nguyên liệu rửa Mikan
2 Tbsp baking soda
2 Tbsp dấm
Phần cốt rượu:
– Vỏ quýt (20 trái)
– 1 lít rượu volka độ cồn mạnh
– 1 lít nước + 250g đường (si-rô đường)
– 1 lít sữa + 250g đường (si-rô kem sữa)
Dụng cụ:
Hũ thủy tinh 1.5l có nắp khóa cài tiệt trùng sạch
Các chai thủy tinh dài đựng rượu đẹp
Đầu tiên, mình sẽ cho các bé Mikan này tắm rửa sạch sẽ trước khi đem làm rượu. Trước hết là để rượu được trong, đẹp, không lẫn tạp chất bụi bẩn. Sau nữa là mọi thứ đồ ăn thức uống mà sạch sẽ thì mình thấy độ ngon tăng thêm bội phần.
Bí quyết của mình là trộn đều baking soda với dấm táo đến khi sủi bọt thì đổ hỗn hợp này vào. Dùng tay mát-xa nhẹ nhàng từng trái Mikan, rồi để ngấm trong 2 phút để các lớp bụi bẩn trên vỏ Mikan được làm sạch. Cuối cùng rửa lại một lần với nước sạch là ta đã có những trái Mikan thơm tho sạch sẽ rồi đó.
Sau khi tắm rửa, mình lại dùng khăn lau sạch từng bé Mikan đến sáng bóng!
Khăn cũng phải có hình trái Mikan mới chịu cơ và được sản xuất tại Imabari.
FYI, thành phố Imabari của tỉnh Ehime là nơi có nghề truyền thống dệt khăn với tuổi đời gần 130 năm. Những chiếc khăn Imabari được dệt hoàn toàn 100% từ bông trồng hữu cơ. Loại khăn này cực kì mềm, nhẹ nhưng thấm hút nước cực tốt. Xứng đáng là thượng hạng của thượng hạng và là niềm tự hào của người dân nơi đây!
Để làm 1 mẻ Mikancello, mình sẽ chọn những trái Mikan ngon nhất, thơm nhất, chín mọng nhất.
Bóc vỏ phải thật khéo để giữ được hình cánh sao đẹp nhé! Để làmi Mikancello, nguyên liệu quan trong nhất chính là thứ vỏ mỏng dính nhưng chứa đầy những túi tinh dầu thơm phức kia thôi.
Mình khứa nhẹ 8 đường ở đáy quả rồi dùng đầu ngón tay tách từ từ phần vỏ ra. Mikan chín cây thì vỏ rất dễ bóc và róc quả.
Là một người yêu cái đẹp và hơi phù phiếm nên mình muốn bóc vỏ thành những ngôi sao thật xinh nữa cơ.
Quả gì mà ngon ngon thế?
Xin thưa rằng quả mí kán. Ăn vào thì chắc là chua? Không chua, chua thì để Mituchan ăn hộ cho nhé.
Có 1001 cách sử dụng phần thịt quả này nhé như ăn tươi luôn để cảm nhận vị ngon ngọt mọng nước trong từng tép thịt. Hoặc có thể dùng chính phần thịt quả này để làm Mikan mochi mà chị admin đã hướng dẫn trên Tóp tóp rồi đó.
Với phần vỏ này, mình dùng một chiếc dao nhỏ để cạo sạch phần xơ trắng này. Làm vậy thì khi ngâm, rượu sẽ trong vắt, thích lắm luôn
Trong veo óng ánh!
Giơ ngược nắng trông như một thiên hà thu nhỏ trong ngón tay.
Thả từng miếng vỏ quýt vào lọ. Trời ơi chưa gì đã thấy mùi tinh dầu sực lên thơm nức mũi. Để nói về cái mùi tinh dầu này thì không biết miêu tả sao cho các bạn dễ hình dung, nó ngọt ngào the mát lắm luôn.
Xong xuôi thì đổ rượu vào thôi. Loại rượu mình dùng là Vodka Hà Nội. Bạn có thể sử dụng bất kì loại rượu trắng không mùi nào khác nhé.
Với mình, thì thời gian ngâm có thể từ 4 tuần cho đến 1 năm. Sau 4 tuần, bạn đã có thể thu hoạch phần rượu ngâm đã rất thơm mùi cam quýt rồi nhưng nếu ngâm càng lâu thì phần rượu sẽ càng đượm và sâu hơn.
Sau 3 tuần, phần rượu đã chuyển sang màu vàng nhẹ, trong vắt. Đợt trước mình ngâm Limoncello nhiều quá, có 1 bình nguyên 1 năm sau mới nhớ ra liền mang về biếu bố, bố mình thích lắm, uống rồi khen thơm ngon đến giọt cuối cùng. Cảm giác tất cả những mùi thơm của chanh đã được cô đặc lại trong từng giọt rượu.
Vì vậy với món Mikancello này, mình cũng hi vọng sẽ có thành phẩm thật ngon để đem biếu tặng những người mình yêu quý.
Đây là lúc để thu hoạch mẻ rượu ngâm, Khi vừa mở nắp bình ngâm thì mùi quýt Mikan đã bay tỏa ra khắp phòng rồi. Xứng đáng là rượu ngon đãi bạn hiền đây.
Mình cứ mê đắm cái màu vàng óng, loang loáng của rượu ngâm vỏ quýt Mikan.
Để hoàn thành món rượu tiêu vị kiểu Ý Mikancello, mình sẽ cần trộn phần rượu đã ngâm với siro.
Lần này mình sẽ làm 2 phiên bản cho hoành tráng:
1 là Mikancello nguyên bản, tức là trộn rượu với siro đường
2 là Mikancello vị kem sữa.
Với cách làm nguyên bản, mình chỉ cần đun sôi 1 lít nước + 250gr đường ở lửa vừa cho đến khi đường tan hết. Ta được si-rô đường. Trút ra để nguội.
Tiếp đến là đun ấm 1 lít sữa, nhớ là chỉ đun ấm thôi, rồi cho 250gr đường vào nấu nhỏ lửa, không để sữa sủi bọt lớn. Vớt bỏ bọt bề mặt. Nấu đến khi đường tan hết, sữa hơi sánh lại.
Chờ siro kem sữa nguội bớt mới đổ rượu vào
Trong lúc chờ siro nguội, mình cũng tranh thủ kể cho các bạn nghe về linh vật Mican của tỉnh Ehime nhé:
Không khó để bắt gặp linh vật Mican – “phó thống đốc quảng bá nụ cười” của tỉnh Ehime. Mican có ở khắp mọi nơi, từ sân bay, ga tàu, đường phố, trên cột điện, bảng chỉ dẫn hoặc thậm chí dán trên xe ô tô.
Bạn chó Mican với màu lông vàng óng ả, tròn căng đáng yêu, mũi trái tim, 2 tai là 2 chiếc lá và đuôi là 1 bông hoa quýt trông rất kawaii, đáng yêu đúng không nào? Đừng quên chụp 1 tấm ảnh lưu niệm cùng bạn ý nhé.
Khi siro đã nguội, trút phần rượu đã ngâm vào thôi. Vị “truyền thống” ngọt dịu, dậy mùi thơm cam quýt, uống vào mềm môi, rất bon nên cẩn thận kẻo say lúc nào không hay nhé!
Còn phần rượu kem sữa. Rượu mà có phần “đề-pa” sữa tươi béo ngậy thế này, cực hợp vào tiết trời se se lạnh!
Rót rượu vào các chài dài. Thêm chiếc nhãn xinh xắn tự thiết kế! Nhìn vậy thôi chứ dán nhãn này phải dể ý chút nhé, không là nhăn nheo ngay. Bạn nên dán chính giữa rồi miết đều ra 2 cạnh nha! Recipe mà kèm luôn cả hướng dẫn đóng gói, thả nghìn tim cho Mituchan uy tín, tận tâm nào.
Thế là thành một cặp rượu heart-made xịn xò, bày trên tủ cũng xinh mà đem biếu thì trân quý vô cùng!
Đặc trưng của rượu tiêu vị là dùng lạnh sau bữa ăn chính, giúp hỗ trợ tiêu hóa. Mikancello thừa hưởng cách làm đơn giản của Limoncello với hương vị thanh mát, sảng khoái nhưng khác biệt ở vị ngọt dịu dàng, mùi vỏ quýt Mikan thơm lừng!
Dòng rượu này có độ cồn cao, xếp vào hàng rượu mạnh, dậy vị nhưng không hề gắt nồng. Hôm trước, mình thử ép nước Mikan vào uống cùng, chua ngọt rất tươi mới, bạn thử nhé!
Giáng Sinh này, bạn sẽ cùng ai nâng ly nào?
Chúc các bạn làm thành công và khoe lại feedback với Mituchan nhaa.
Bài viết gốc dưới đây, nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần trả lời gấp, các bạn để lại comment tại bài gốc để được trợ giúp nhanh nhất nhé
Link bài gốc được chia sẻ tại:https://www.facebook.com/groups/groupyeubep/permalink/2117744095276401/